Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về Cách mạng Tháng Tám năm 1945

15:09 - Thứ Tư, 14/08/2024 Lượt xem: 1344 In bài viết

Cách đây gần 80 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945).

Thế nhưng, hằng năm, cứ vào dịp này, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện quan trọng này. Đấu tranh vạch trần, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chính là bảo vệ sự thật lịch sử, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong tiến trình lịch sử dân tộc; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận diện những luận điệu xuyên tạc, chống phá

Điều dễ nhận thấy là các thế lực thù địch thường xuyên tạc rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền chỉ là sự “ăn may” khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có vai trò gì. Một số luận điệu của các thế lực thù địch đã bóp méo sự thật rằng, từ sau cuộc đảo chính của Nhật lật đổ thực dân Pháp (ngày 9-3-1945), Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân đồng minh đánh cho tơi tả, phải chịu thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực” cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi…

Thực chất, đó là những luận điệu bóp méo, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thắng lợi vĩ đại này cũng như sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên chiến thắng.

Sự thật mãi là sự thật

Thực tiễn lịch sử đã minh chứng, để Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi, ngoài yếu tố khách quan đóng vai trò quan trọng thì nhân tố quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập hội nghị mở rộng và ngày 12-3-1945 ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cả dân tộc ta gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng, tạo và đón lấy thời cơ để vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, lực lượng tay sai của chúng hoang mang đến cực độ. Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm 13-8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Lệnh khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp, quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên cả nước. Ở Hà Nội, từ ngày 15-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng (Ủy ban Khởi nghĩa) quyết định động viên mạnh mẽ lực lượng chính trị của quần chúng, đồng thời tăng cường chuẩn bị lực lượng vũ trang. Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn nhân dân cả ở nội thành và ngoại thành, cùng với tự vệ chiến đấu xuống đường biểu tình thị uy, chuyển thành cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn, trấn áp mọi sự chống đối của quân Nhật và chính quyền bù nhìn. Quân khởi nghĩa tràn lên chiếm các cơ quan đầu não của địch, chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, làm cho quân Nhật bất lực, chính quyền bù nhìn tê liệt, các thế lực chống đối không dám hoạt động; cổ vũ và thúc đẩy nhân dân các địa phương khác trong cả nước, nhất là Huế, Sài Gòn khởi nghĩa. Trong dịp này, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ chưa giành được chính quyền, cũng khởi nghĩa thành công. Ở Huế, ngày 23-8-1945, hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành có lực lượng vũ trang hỗ trợ, đồng loạt xuống đường biểu tình, thị uy và tiến lên chiếm các công sở, lập chính quyền cách mạng và buộc vua Bảo Đại phải thoái vị.

Ở Sài Gòn, trước cuộc khởi nghĩa, các lực lượng “Thanh niên tiền phong”, “Xung phong công đoàn”, các đoàn công nhân, học sinh, nông dân các tỉnh cận kề đã ráo riết sắm sửa giáo mác, gậy tầm vông, luyện tập để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Ngày 25-8-1945, khoảng một triệu người ào ạt đổ xuống đường với khí thế hừng hực, hoàn toàn áp đảo quân Nhật và chính phủ bù nhìn, lần lượt chiếm các công sở và vị trí quan trọng khác của thành phố, lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn tạo khí thế cho các tỉnh khu vực Nam Bộ vùng lên giành chính quyền. Ngày 28-8-1945, Hà Tiên và Đồng Nai Thượng là hai tỉnh cuối cùng ở Nam Kỳ khởi nghĩa thành công. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra con đường phát triển của dân tộc.

Giá trị của Cách mạng Tháng Tám mãi trường tồn

Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng là nhờ sự tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng; sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng…, nhất là việc dự báo, chớp lấy thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên tự giải phóng mình, chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một “khoảng trống quyền lực” hay một khoảng “chân không chính trị” nào; càng không bao giờ ngồi chờ “trao trả độc lập”. Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đều là vô nghĩa.

Vào thời điểm tháng 8-1945, tuy thời cơ thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa xuất hiện, nhưng nếu Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, có phương pháp xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tổ chức, lãnh đạo hai lực lượng đó đấu tranh bằng nhiều hình thức, chủ yếu là tiến công chính trị và tiến công quân sự từ thấp đến cao, thì không thể có cuộc khởi nghĩa vũ trang đồng loạt cả nước.

Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành chính quyền từ tay kẻ thù đang có bộ máy thống trị với đầy đủ công cụ bạo lực, lại không thiếu các thủ đoạn chính trị. Tuy lúc đó, chúng có rệu rã về tinh thần, nhưng vẫn có thể chống đối quyết liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta để giữ quyền thống trị. Vì vậy, nếu chúng ta không tiến hành một cuộc đấu tranh rộng lớn, quyết liệt bằng cả đòn tiến công chính trị và quân sự; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy sức ta giải phóng cho ta thì không thể có thành quả vẻ vang đó.

Thực tế thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc tổng khởi nghĩa cho thấy, nếu cách mạng không có lực lượng to lớn, tiến công quyết liệt cùng với sự vận động thuyết phục, thì quân Nhật không chịu “án binh bất động” và chính quyền, quân đội tay sai không chịu đầu hàng vô điều kiện. Chỉ riêng việc trong vòng nửa tháng, cả nước đồng loạt khởi nghĩa và giành thắng lợi đã chứng tỏ sự chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa và vai trò của một mệnh lệnh thống nhất như thế nào. Thời cơ không phải chỉ là do điều kiện khách quan đưa lại, mà là sự tổng hòa các nhân tố khách quan và chủ quan. Nếu không có sự chuẩn bị lực lượng, đưa lực lượng đó vào cuộc đấu tranh thường xuyên để làm cho ta mạnh lên, làm cho địch suy yếu dần, làm cho tất cả các tầng lớp nhân dân tin theo và ủng hộ cách mạng, tạo thời cơ và đón thời cơ, thì khi có điều kiện khách quan thuận lợi cũng không thể phát động được cuộc khởi nghĩa và khởi nghĩa thành công. Vì lẽ đó, tạo thời cơ, đón thời cơ và tận dụng được thời cơ là một điểm đặc sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là vai trò tiền phong, gương mẫu, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân và của 5.000 đảng viên. Họ là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, một lòng, một dạ vì nước, vì dân, sáng ngời dũng khí chiến đấu, xung kích tiên phong, vào sống ra chết không sờn lòng, đầu rơi máu chảy không lùi bước, tra tấn tù đày không khuất phục, kiên quyết lãnh đạo cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân để xây dựng đất nước độc lập, dân tộc tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, thắng lợi này còn là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được bắt nguồn từ truyền thống yêu nước nồng nàn và khát vọng độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Với thắng lợi to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Do đó, tầm vóc, ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là vô cùng to lớn. Mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về sự kiện này đều vô nghĩa và cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ, để giá trị của Cách mạng Tháng Tám mãi trường tồn, mãi là động lực và nguồn cổ vũ lớn lao đối với chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top